ThS Lê Thanh Thảo (Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang) đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất nhang thảo dược từ bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu phối trộn với nguồn nguyên liệu dược liệu sẵn có tại tỉnh An Giang”. Thời gian thực hiện đến tháng 1/2024.
Nhóm nghiên cứu quy trình sản xuất nhang nụ từ bã sả
Mục tiêu đề tài nhằm sản xuất các sản phẩm gia tăng từ nguồn nguyên liệu tại địa phương. Tận dụng phụ phế phẩm sau quá trình chiết xuất tinh dầu sả. Đồng thời, nâng cao giá trị kinh tế của nông sản, tạo thêm việc làm và góp phần ổn định, tăng thu nhập của người dân địa phương.
Theo ThS Lê Thanh Thảo, từ thuở xưa, các loại nhang thường được làm từ những loại thảo dược tự nhiên. Theo thời gian, việc sản xuất nhang dần bị công nghiệp hóa trở nên độc hại với nhiều loại hóa chất và mùi tổng hợp. Nhiều cơ sở sản xuất dùng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc và hóa chất tạo mùi để làm nhang, khi thắp khói hương sẽ rất độc hại đối với người hít phải. Vì vậy, cần nghiên cứu bằng cách tận dụng các nguồn thảo dược có sẵn tại địa phương, như: lá sả, vỏ bưởi, vỏ chanh… sản xuất nhang thảo dược với màu sắc và hương thơm tự nhiên, an toàn cho người sử dụng.
Tại Việt Nam, đa số người dân đều dùng nhang cho việc thờ cúng, cũng như nguồn gốc của tục đốt nhang trên thế giới ban đầu là phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng. Nhiều nơi trên thế giới đã đưa việc sử dụng mùi thơm từ nhang lên tầm nghệ thuật mới, tiêu biểu là hương đạo của Nhật Bản.
Ngày nay, việc thưởng thức hương thơm thảo mộc qua việc đốt nhang thảo mộc đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Thưởng thức mùi thơm từ thảo mộc khi nén nhang được đốt lên là phương tiện hữu hiệu cho tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng, an định, thường được sử dụng khi uống trà, làm việc, khi xoa bóp...
Theo thống kê, năng suất, sản lượng cây hàng năm, diện tích gieo trồng sả, chanh khoảng 55ha/năm, sản lượng đạt gần 1.300 tấn. Tuy nhiên, ước tính 1ha sả, chanh sau khi thu hoạch, chế biến tinh dầu còn tồn dư khoảng 20 tấn phụ phẩm gồm lá và bã thải sả. Lượng phế phẩm này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu carbon và các nguyên tố khoáng đa vi lượng cần có giải pháp xử lý hiệu quả.
“Để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, sau khi chiết xuất tinh dầu sả chanh, chúng tôi sử dụng bã để sản xuất nhang dược liệu. Vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu quy trình sản xuất nhang thảo dược từ bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu phối trộn với nguồn nguyên liệu dược liệu sẵn có tại tỉnh An Giang được đề xuất thực hiện” - ThS Lê Thanh Thảo cho biết.
Qua quá trình nghiên cứu từ tháng 2/2023 đến nay, nhóm đã thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Cụ thể, đã hoàn thiện quy trình sản xuất nhang thảo dược dạng nụ từ bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu phối trộn với sả và vỏ chanh ở quy mô phòng thí nghiệm (2kg/mẻ).
Các thông số đạt tối ưu về tỷ lệ bột bã sả và bột sả, vỏ chanh; tỷ lệ bột keo bời lời; tỷ lệ nước bổ sung vào hỗn hợp bột nhang; nhiệt độ sấy thích hợp cho sản phẩm nhang thảo dược. Chất lượng nhang nụ quản lý theo TCQCVN 19:2009/BTNMT và TCVN 6994:2002. Quy trình nghiên cứu có tính ổn định, khả thi, có thể chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh cho biết, kết quả nghiên cứu nhằm tận dụng phụ phế phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là đã tận dụng lượng phế phẩm từ lá và bã thải sả sau quá trình trồng trọt. Phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu carbon và các nguyên tố khoáng đa vi lượng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả (phần nhiều đốt bỏ hay ủ làm phân hữu cơ).
Bên cạnh đó, còn tận dụng được bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu, nguồn nguyên liệu địa phương (sả, chanh). Đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề về môi trường và tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân địa phương.
An Giang có làng nhang Bình Đức (TP. Long Xuyên) sản xuất nhiều loại: Nhang se, nhang sóc, nhang trầm, nhang thơm, nhang nêu cùng đủ loại kích cỡ khác nhau; sản lượng tiêu thụ khá mạnh. Công đoạn làm nhang đã chuyển từ thủ công truyền thống sang làm nhang bằng máy đạp chân hoặc máy điện. Nguyên liệu làm nhang cũng phong phú. Việc áp dụng sản xuất nhang thảo dược từ bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu phối trộn với nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại tỉnh An Giang để làm nhang thảo dược, an toàn, thân thiện môi trường cần được nhân rộng.
HẠNH CHÂU