Chùm ngây (
Moringa oleifera) từ lâu đã được sử dụng như một loại rau và thuốc
gia đình. Theo nhiều nghiên cứu, hầu hết các bộ phận của cây chùm ngây đều có
giá trị sử dụng, trong đó, lá chùm ngây chứa lượng vitamin A gấp 4 lần so với
cà rốt, calcium gấp 4 lần sữa, chất sắt gấp 3 lần so với cải bó xôi,
lượng vitamin C gấp 7 lần so với cam, kali gấp 3 lần chuối và chất đạm nhiều
gấp 2 lần sữa chua. Cách đây vài năm, từ dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây
chùm ngây vùng Bảy Núi tỉnh An Giang” (do ThS. Trần Văn Mì chủ trì), chùm ngây
được trồng khá phổ biến tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên, thực tế
cho thấy việc vận chuyển, bảo quản lá chùm ngây tươi rất khó do chúng nhanh bị
úa, hư hỏng nếu không có điều kiện bảo quản thích hợp. Đồng thời, do khó khăn
về vấn đề đầu ra nên số lượng cây chùm ngây được trồng tại 2 huyện Tri Tôn và
Tịnh Biên cũng giảm dần. Do đó, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là thử nghiệm
chế biến các sản phẩm từ chùm ngây nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tươi
sẵn có, nâng cao giá trị cây chùm ngây và góp phần phục vụ cho du lịch của tỉnh
nhà.
Năm 2015, Phòng Công nghệ sinh học
Thực phẩm, Dược phẩm và Môi trường - Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang
thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm “Nghiên cứu sản xuất trà chùm ngây túi lọc”
trong phòng thí nghiệm và theo kết quả bước đầu sau khi thu thập ý kiến đánh
giá của người tiêu dùng cho thấy sản phẩm trà chùm ngây túi lọc có khả năng sản
xuất ở quy mô lớn và thương mại hóa. Năm 2016, nhóm nghiên cứu tiếp tục “Nghiên
cứu hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm trà chùm ngây túi lọc”. Tuy nhiên,
không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu mong muốn sản phẩm trà chùm ngây phải được
Bộ Y Tế công nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thường gọi là thực phẩm chức
năng). Quy trình đăng ký sản phẩm trở thành thực phẩm bảo vệ sức khỏe gồm rất
nhiều công đoạn. Trong đó, 2 bước công nhận chính là cần đạt Giấy Chứng Nhận
“Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” và “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố
sản phẩm” do Cục An Toàn Thực Phẩm – Bộ
Y Tế cấp. Nhờ sự hỗ trợ của cấp trên và các cơ quan chức năng có liên quan,
Trung tâm Công nghệ sinh học được cấp Giấy Chứng Nhận “Cơ sở đủ điều kiện an
toàn thực phẩm” vào tháng 8 năm 2017, song song với quá trình đó nhóm nghiên
cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất kết hợp bổ sung các thủ tục hồ sơ
đăng ký, đến đầu tháng 2-2019, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y Tế đã công nhận sản
phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Chùm Ngây HERBAGI (thường gọi là thực phẩm
chức năng) do Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang (địa chỉ tổ 22, ấp Vĩnh
Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) sản xuất phù hợp tiêu
chuẩn của nhà sản xuất với quy cách đóng gói 2g/gói x 20 gói.


Có thể nói
Trà chùm ngây HERBAGI là cả sự tâm huyết của ban lãnh đạo và các thành viên
nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang. Từ quy trình
sản xuất đến mẫu mã sản phẩm đều do chính các thành viên của Trung tâm nghiên
cứu. Nhãn hiệu “HERBAGI” đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ, trong
đó với ý nghĩa “HERB” là thảo dược, “AGI” là An Giang kết hợp cùng hình ảnh dãy
núi được làm mờ phía sau với mong muốn mang đến một sản phẩm đặc trưng cho vùng
Bảy núi An Giang.
Trà chùm
ngây HERBAGI được sản xuất từ 100% lá chùm ngây, không bổ sung chất bảo quản
nên có thể được xem là một sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Trà có hương vị và dược
tính hơn hẳn một số loại trà chùm ngây trên thị trường là do trong quá trình
chế biến có qua quá trình chiết xuất. Công dụng chính của trà chùm ngây HERBAGI
là hỗ trợ tăng cường khả năng chống oxy hóa và giảm mỡ máu. Vì vậy người có mỡ
máu cao và có nguy cơ xơ vữa động mạch khi sử dụng trà chùm ngây sẽ thấy tác
dụng rõ rệt.
Nghiên cứu
của Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự (2017) cho thấy chùm ngây ức chế quá trình
sinh tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol trong tế bào gan. Những nghiên
cứu thực nghiệm cũng cho thấy tăng lipid máu và quá trình chuyển hóa acid béo
bởi gan sẽ dẫn đến stress oxy hóa như acid chlorogenic, rutin, quercetin
glucosid và kaempferol rhamnoglucosid, cũng được giả thuyết là một trong các cơ
chế liên quan đến tác dụng hạ lipid máu của chùm ngây.
Tác giả
Salihah và cộng sự (2013) trước đó cũng cho rằng lá chùm ngây chức nhiều hợp
chất có hoạt tính chống oxy hóa, các hợp chất này liên quan đến nhóm hợp chất
phenolic. Trong đó 2 hợp chất flavonoid có hoạt tính chống oxy hóa chủ yếu của
lá đã được xác định là vitexin và isoquercitrin. Sản phẩm trà chùm ngây HERBAGI
có hàm lượng flavonoid được công bố là 10 mg ± 20% tính trên 1 gói trà túi lọc
2 g; so với liều thử nghiệm có tác dụng dược lý của tác giả Nguyễn Thị Thu
Hương và cộng sự (2017) thì mức đáp ứng trong 1 ngày lên đến 110%.
Ngoài ra,
lá chùm ngây với hàm lượng cao các vitamin, khoáng chất (canxi, kali, magie,
sắt), protein, cacbohydrat và chất xơ, … từ lâu đã được 2 tổ chức Thế giới WHO
và FAO xem là giải pháp ưu việt cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh
dưỡng. Nhiều quốc gia còn gọi chùm ngây là cây “thần diệu”.
Bên cạnh
đó, khi khảo sát tác dụng tăng lực và bảo vệ gan của lá chùm ngây trên thực
nghiệm, tác giả Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự (2016) đã đi đến kết luận tác
dụng bảo vệ gan trước tổn thương oxy hóa có thể do lá chùm ngây có chứa hoạt
chất có tính kháng oxy hóa như acid chlorogenic, rutin, quercetin glucosid và
kaempferol rhamnoglucosid. Ngoài ra, thành phần acid amin trong lá chùm ngây
cũng đóng vai trò quan trọng trong sinh tổng hợp glutathion, một trong những
chất chống oxy hóa nội sinh trong gan.
Tuy nhiên,
theo quyển “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1” (2014), khi thử
nghiệm cao khô của lá chùm ngây trên chuột cống trắng cái về hoạt tính chống
sinh sản đã nhận xét thấy hiệu quả gây sẩy thai 100% khi cho uống cao khô hòa
trong dịch nước với liều 175mg/kg thể trọng mỗi ngày cho chuột cống trắng chủng
Charles Foster 90 ngày tuổi, từ 5-10 ngày sau khi ghép với chuột đực. Chính vì
vậy, sản phẩm trà chùm ngây HERBAGI cũng có khuyến cáo là không sử dụng cho phụ
nữ có thai để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với những
kết quả đạt được nhóm nghiên cứu tin rằng sản phẩm trà chùm ngây bảo vệ sức
khỏe HERBAGI có thể phát triển rộng rãi trở thành một sản phẩm đặc trưng của
vùng Bảy núi An Giang cũng như là một tiền đề để phát triển các sản phẩm trà
dược liệu từ nguồn nguyên liệu đặc trưng, sẵn có tại tỉnh nhà.
Nguyễn Ngọc Huỳnh Trân