Từ ngày 13 -
17/11/2018 tại tỉnh lộ 941, ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An
Giang, Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh An Giang phối hợp với công ty TNHH Hợp
Nhất, trường Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tập huấn
với chủ đề “Ứng dụng sinh học phân tử trong xét nghiệm vi sinh thực phẩm, sinh
vật biến đổi gene và công nghệ tế bào động vật” nhằm cung cấp thông tin các
thành tựu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, cụ thể là sinh học phân tử và tế
bào gốc.
Tham dự tập huấn có TS. Phan Lữ
Chính Nhân Viện phó – Viện tế bào gốc, Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, TS
Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc công ty TNHH Hợp Nhất, ThS. Nguyễn Phạm Tuấn – Phó trưởng
Phòng Công nghệ Sinh học Nông nghiệp – Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh An
Giang, với trên 30 đại biểu tham dự đến từ trường Đại học An Giang, Sở Nông
nghiệp phát triển nông thôn, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang,
Trung tâm giống Cây trồng và Vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Kiểm
nghiệm chất lượng NLTS & TS, cùng sự có mặt của các đại diện đến từ 11 huyện
- thị, thành phố tỉnh An Giang.
Tại buổi tập
huấn, các đại biểu được nghe TS. Phan Lữ Chính Nhân trình bày chi tiết, về tế
bào gốc. Đây là một giải pháp mới trong nền y học hiện nay, nhờ đặc tính đặc biệt
của tế bào gốc đó là có khả năng biệt hóa thành toàn bộ những loại tế bào trong
cơ thể, đây được xem như nhà cung cấp tế bào mới. Tế bào gốc có khả năng thay
thế những tế bào bệnh hoặc chết, vì vậy các nhà khoa học ứng dụng công nghệ tế
bào gốc vào điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Hiện nay ở Việt Nam, Bộ y tế đã
cho phép nhiều bệnh viện lớn và uy tín ứng dụng tế bào gốc vào điều trị các loại
bệnh lí về máu và thoái hóa khớp. Tuy nhiên một vài khó khăn trong điều trị bằng
tế bào gốc là không tuyệt đối an toàn, cơ thể tiếp nhận không tương thích dẫn đến
sự đào thải. Mặc dù vậy, tế bào gốc hứa hẹn mang lại sự thay đổi lớn trong lĩnh
vực y khoa, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho con người trong vài thập kỷ tới.
Song song đó, TS. Phan Lữ Chính Nhân cũng trình bày, hướng dẫn các đại biểu thực
hành một vài thao tác trong nuôi cấy tế bào gốc như quan sát tế bào trên kính
hiển vi, chuẩn bị môi trường nuôi cấy, thay mới môi trường nuôi cấy…
Tiếp theo,
ThS. Lương Trần Mỹ Linh – Chuyên viên công ty TNHH Hợp Nhất giới thiệu về
phương pháp sử dụng Real – Time PCR để ứng dụng kiểm nghiệm vi sinh trong an
toàn thực phẩm. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, thực hiện đơn giản, giúp
phát hiện nhanh, chính xác hơn so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó,
phương pháp sinh học phân tử được ứng dụng trong phát hiện sinh vật biến đổi
gen (GMO – Genetically Modified Organism) góp phần thông tin rõ ràng cho sản phẩm,
bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Trong suốt thời
gian diễn ra, lớp tập huấn nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến nhiệt tình
của các đại biểu, thảo luận sôi nổi về các vấn đề sinh học phân tử. Qua đó, lớp
tập huấn đem lại nhiều kiến thức mới lạ, bổ ích, nâng cao kiến thức, năng lực
chuyên môn góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ sinh học vào trong
nghiên cứu, sản xuất, đời sống.
Lê Phan Đình Quí – Phòng Công nghệ sinh học
Nông nghiệp