Tin tức
Nghiên cứu sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra (29/07/2024 15:08 PM)
   Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra phục vụ trồng rau, màu ở tỉnh An Giang”. Đây cũng là đề tài thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

222.jpg
Mô hình trồng rau thử nghiệm giá thể bùn đáy ao sau 4 tuần xuống giống cải ngọt và thu hoạch
   Theo ThS Nguyễn Hoài Vững, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang: "Nuôi cá tra là ĐBSCL. Tuy nhiên, đi đôi với những lợi ích kinh tế đem lại là những tiềm ẩn bất lợi cho môi trường. Đặc biệt là lượng thức ăn thừa và phân cá lắng xuống và tích lũy ở đáy ao là rất lớn được biết đến như là bùn đáy ao". Bùn đáy ao hình thành từ nhiều nguồn: Thức ăn cho cá dư thừa; phân và chất bài tiết từ cá; thuốc, hóa chất; chất lơ lửng; đất xói mòn... Năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha; sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn. Sau mỗi vụ nuôi, đạt sản lượng cá tra khoảng 300 tấn/ha/vụ thì lượng bùn đáy ao thải ra tương đương khoảng 2.677 tấn bùn ướt hay tương đương 937 tấn bùn khô. Có thể thấy, lượng bùn đáy ao nuôi cá tra rất lớn thải ra trong quá trình thâm canh bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại từ việc sản xuất thương phẩm cá tra mang lại.
   Việc thải bỏ trực tiếp bùn đáy ao nuôi trồng thủy sản sẽ gây hiệu ứng tác động môi trường như tích lũy nitrat trong tầng nước ngầm và phú dưỡng hóa nguồn nước mặt là vấn đề được quan tâm hàng đầu của vấn đề quản lý bùn đáy ao nuôi trồng thủy sản. Có nhiều giải pháp được nông dân tự làm giảm phát thải bùn đáy ao như bơm trực tiếp lên liếp vườn trồng cây, hoặc thải ra kênh rạch. Tuy nhiên, các giải pháp này không phù hợp, vì lượng bùn đáy ao là rất lớn, có thể gây ngộ độc hữu cơ và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
   Do đó, cần có những giải pháp quản lý bùn đáy ao hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Thu gom bùn thải đáy ao để sản xuất phân compost phục vụ cho cây trồng như là nguồn cung cấp hữu cơ đem lại những lợi ích rất lớn về mặt kinh tế và môi trường. Bùn đáy ao nuôi cá tra có hàm lượng dinh dưỡng đa lượng khá cao, hàm lượng vi lượng trung bình và hàm lượng kim loại nặng là rất thấp, nên có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, giá thể phục vụ cây trồng.
   Đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (bùn thải từ ao nuôi cá tra, phân bò, bả thải trồng nấm, tro trấu…). Đồng thời, thử nghiệm hiệu quả của giá thể trên rau, nhằm tạo ra giá thể phù hợp phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mục tiêu cụ thể là xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ bùn đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh có chỉ tiêu chất lượng chính phù hợp tiêu chuẩn phân bón hữu cơ vi sinh.
   ThS Nguyễn Hoài Vững cho biết: "Trung tâm thực hiện 3 nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh; xây dựng mô hình sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh; đánh giá hiệu quả của sản phẩm giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra trong điều kiện canh tác cải ngọt".
   Phương pháp tiến hành xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh, chuẩn bị nguyên vật liệu thực hiện gồm: Bùn đáy ao nuôi cá tra, bả nấm sau khi trồng nấm bào ngư, tro trấu, phân bò, chế phẩm vi sinh, dịch đạm cá. Các nguyên liệu được phối trộn theo các tỷ lệ với 3 nghiệm thức. Sau hơn 30 ngày trộn ủ theo quy trình, hướng sản phẩm của giá thể mong muốn hướng đến theo tiêu chuẩn quy định.
   Tới đây, trung tâm tiếp tục nghiên cứu nội dung tiếp theo của đề tài tập trung: Xây dựng mô hình sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh. Đồng thời, đánh giá hiệu quả của sản phẩm giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra trong điều kiện canh tác cải ngọt. Đặc biệt, sẽ tiến hành sản xuất giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh dưới các dạng sản phẩm như dạng thô hoặc ép viên...
   Hiệu quả của sản phẩm giá thể từ bùn thải đáy ao nuôi cá tra bằng chế phẩm vi sinh sẽ tận dụng nguồn phụ phế phẩm trong quá trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra, góp phần giảm thải tác động môi trường; tạo sản phẩm thân thiện môi trường, canh tác cây trồng theo hướng bền vững.
HẠNH CHÂU
Trở về

Các bài viết khác:
 
Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang
Địa chỉ: 269A Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang
Điện thoại: 02966 504499