Tin tức
HỘI THẢO TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 (07/10/2020 19:06 PM)
    Ngày 11/9/2020 Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thảo tổng kết “Chương trình Khoa học và Công nghệ về Phát triển Công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020” tại Trung tâm (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

IMG_4404.jpg

   Tham dự tại hội thảo có GS.TS. Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam; PGS.TSKH. Phan Phước Hiền, Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang; PGS.TS. Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM; Th.S. Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang; ThS. Nguyễn Công Kha, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh An Giang với trên 100 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cá nhân đến từ các Viện, trường, các Trung tâm nghiên cứu, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang.
Hội thảo gồm 12 bài tham luận, với 5 bài báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
   Ông Nguyễn Hoài Vững – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học trình bài tham luận đầu tiên “Chương trình khoa học và công nghệ về phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020”

IMG_4350.jpg

   Bài thứ hai “Ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp  ở An Giang” do GS.TS. Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam trình bày.                                                                         
   Bài thứ ba “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống thủy sản ở An Giang” do TS. Phan Phương Loan, trường Đại học An Giang trình bày.

IMG_4371.jpg

   Bài thứ tư “Chế phẩm vi sinh: Giải pháp cho nền nông nghiệp hữu cơ bền vững”do TS Phan Mỹ Hạnh- Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh trình bày.
   Bài thứ năm “Một số nghiên cứu Công nghệ sinh học và hóa sinh ứng dụng có khả năng triển khai trong nông nghiệp, thực phẩm và dược liệu tại An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long” PGS.TSKH. Phan Phước Hiền, Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang trình bày.
   Kết thúc phần trình bày các báo cáo tham luận, chủ tọa điều hành phiên thảo luận. Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.

IMG_4359.jpg

   Ông Nguyễn Công Kha – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang phát biểu bế mạc hội thảo và trân trọng cảm ơn các đại biểu trong và ngoài tỉnh đã dành cho tỉnh An Giang sự quan tâm và hỗ trợ vô cùng quý báu.

IMG_4376.jpg

   Hội thảo đã nhận được 12 bài tham luận, trong đó 5 bài tham luận được trình bày tại hội thảo và nhận được rất nhiều sự chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của quý đại biểu. Nội dung các bài tham luận xoay quanh tổng kết và đánh giá kết quả chương trình CNSH giai đoạn 2016 – 2020; Nêu ra những thành tựu đạt được từ việc ứng dụng CNSH vào sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời đề xuất và định hướng cho quá trình phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới như sau: (1) Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại nhất hiện nay. Trong đó, An Giang là nơi lý tưởng để ứng dụng CNSH tạo nên những thương hiệu nông sản sạch, chất lượng và hiệu quả cao; (2) Định hướng ứng dụng rộng rãi CNSH của tỉnh, tăng cường đề xuất tạo cơ hội nghiên cứu và tham gia vào các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN nhiều hơn; (3) Cần có sự tham gia, kết hợp giữa các nhà khoa học và người nông dân để đánh giá và khẳng định chất lượng và hiệu quả sản phẩm; (4) Các kết quả nghiên cứu về tiến bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học từ các Viện, Trường đại học là rất nhiều, nhưng các ứng dụng về CNSH trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang lại rất hạn chế. Việc ứng dụng các sản phẩm từ nghiên cứu vào thực tế chỉ ở mức trung bình do tính an toàn, tính tối ưu của các sản phẩm sinh học chưa được khẳng định mạnh mẽ trên thị trường. Sản phẩm ứng dụng từ CNSH ở quy mô phòng thí nghiệm cần mang tính khả thi khi áp dụng vào điều kiện thực tiễn tại từng địa phương trong tỉnh.; (5) Cần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm, bản địa của Việt Nam đồng thời khai thác thương mại hóa theo hướng bền vững.
NG -  Phòng Công nghệ sinh học Nông nghiệp
Trở về

Các bài viết khác:
 
Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang
Địa chỉ: 269A Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang
Điện thoại: 02966 504499